Xã Cư Suê tiềm năng và lợi thế
Đánh thức tiềm năng
Cư Suê có 11 thôn, buôn, với dân số hơn 11.800 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (Êđê, Tày) chiếm gần 60% số dân trên địa bàn xã. Là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế như đất đai màu mỡ, có vị trí chiến lược, giao thông thuận tiện, nhưng chỉ mới những năm gần đây, Cư Suê mới thực sự được đánh thức, hứa hẹn vươn mình và đổi thay mạnh mẽ.
Các cô gái Kinh, Êđê và Dao bảo tồn bản sắc văn hóa thi đua xây dựng NTM nâng cao
Xã Cư Suê đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2019.
Cư Suê nằm trên tuyến Tỉnh lộ 8, nối TP. Buôn Ma Thuột đến thị trấn Ea Pốk, thị trấn Quảng Phú và các xã của huyện Cư M’gar. Đây là con đường huyết mạch, có vai trò chính trung chuyển hàng hóa từ huyện Cư M’gar đi các vùng miền, góp phần xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội. Cư Suê còn được “hưởng lợi” từ vị trí nằm sát khu công nghiệp, các khu đô thị mới, nhất là dự án mở đường tránh phía Tây Bắc của TP. Buôn Ma Thuột. Từ đây sẽ dễ dàng kết nối với các tuyến đường lớn như Quốc lộ 14 (chỉ cách 5 km), Quốc lộ 26 (cách 8 km), Sân bay Buôn Ma Thuột (khoảng 11 km)… Đây chính là điều kiện, cơ hội kỳ vọng khơi dậy tiềm năng của vùng ven Buôn Ma Thuột, đặc biệt là những thế mạnh toàn diện của Cư Suê trong kết nối hạ tầng giao thông, tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư khi lựa chọn vùng cửa ngõ này để đầu tư các công trình tầm cỡ.
Xác định rõ tiềm năng, thế mạnh, vai trò của Cư Suê trong chiến lược phát triển, tỉnh Đắk Lắk đã chủ trương xây dựng Khu nhà ở du lịch nông nghiệp công nghệ cao Ea Pốk (thuộc địa phận xã Cư Suê) với kỳ vọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội khu vực này. Tỉnh cũng mở đường tránh phía Tây Bắc của TP. Buôn Ma Thuột, một phần đi qua xã Cư Suê, càng “chắp cánh” cho vùng ven tăng đà hội nhập và đô thị hóa. Đón đầu xu thế phát triển này, đã có nhiều nhà đầu tư tìm đến Cư Suê và vùng lân cận đầu tư vào những lĩnh vực lợi thế, có tính khả thi cao như: nông nghiệp công nghệ cao; chăn nuôi gắn với chế biến, du lịch… Đáng chú ý, Công ty TNHH Đầu tư du lịch và Thương mại Đam San đã xúc tiến Dự án Điểm du lịch sinh thái nông nghiệp và cộng đồng tại xã Cư Suê.
Nhiều lợi thế về phát triển du lịch
Với địa bàn rộng lớn (hơn 3.500 ha đất tự nhiên), nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp, giàu bản sắc văn hóa… xã Cư Suê có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch, nhất là du lịch sinh thái, ẩm thực và du lịch dựa vào cộng đồng. Đáng chú ý, Cư Suê được bao quanh bởi nhiều suối đẹp như: Suối Ea Mur (buôn Sút M’grư) chảy từ TP. Buôn Ma Thuột sang địa bàn xã theo hướng Bắc đến gặp suối Ea Huêh (phía Bắc của xã); suối Ea Chur, bắt nguồn từ xã Cuôr Đăng chảy theo hướng Tây Bắc sang đến địa bàn xã gặp suối Ea Huêh (phía Bắc của xã). Suối Ea Huêh được hình thành bởi hai suối Ea Mur và Ea Chur là con suối chính, có tổng chiều dài khoảng 12 km chạy dọc ranh giới xã và thị trấn Ea Pốk. Suối Ea Huêh tạo thành thác Dray Hbih nước trong, cao khoảng 20 m, như cô gái có mái tóc dài quyến rũ, đủ để níu chân du khách… Đến Cư Suê, du khách còn được tham quan, tìm hiểu lịch sử, văn hóa tại các buôn làng còn lưu giữ nhiều nét đặc thù về giá trị văn hóa dân gian, phong tục tập quán của cộng đồng. Địa phương hiện có nhiều nghệ nhân biết hát các làn điệu dân ca, dân vũ, hát Kưut, Ayray, hòa tấu nhạc cụ, múa mời rượu, múa khiên… Vì vậy, trong một tương lai không xa, địa phương chắc chắn sẽ biến những mục tiêu thành hiện thực để phát triển du lịch xứng tầm với tiềm năng của vùng đất này.
Nhà dài của Hoa hậu H’Hen Niê (buôn Sút M’đưng, Cư Suê).
Cơ hội vươn mình
Cư Suê có đến hơn 3.200 ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó chủ yếu là đất đỏ bazan thích hợp với nhiều loại cây như cà phê, cao su, tiêu, các loại cây ăn trái… Hơn 90% đất tự nhiên ở Cư Suê có suối bao quanh, rất thuận tiện cho việc tưới tiêu trong sản xuất nông nghiệp. Người dân Cư Suê với tinh thần cần cù, chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất, quyết tâm vượt đói nghèo, cải thiện đời sống và từng bước vươn lên làm giàu. Cư Suê lại đang đứng trước lợi thế là điểm giao thương quan trọng bởi có vị trí chiến lược… Theo ông Đặng Văn Hoan, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cư Suê, đây là những yếu tố cực kỳ thuận lợi, là “cơ hội vàng” để xây dựng cuộc sống thịnh vượng cho người dân đang chung sống trên mảnh đất này. Khi nhiều dự án được thực hiện tại đây, cơ hội việc làm cũng rất dồi dào. Một kết quả đã nhìn thấy rõ là kể từ năm 2015, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Cư Suê luôn đạt 5 - 6 %/năm.
Người Dao, Êđê trong trang phục truyền thống bên dòng thác Dray Hbih (thôn 3, Cư Suê).
Với quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã, đến nay Cư Suê đã sớm đạt chuẩn xã văn hóa - nông thôn mới của huyện Cư M’gar. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Cư Suê nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra nhiều mục tiêu cụ thể để khai thác tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội, nhất là phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ và du lịch. Mục đích hàng đầu là nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.
Với những yếu tố thiên nhiên, lịch sử, văn hóa, con người và những thời cơ, thuận lợi, cùng với nỗ lực và quyết tâm của chính quyền, nhân dân, xã Cư Suê đang hội tụ đầy đủ điều kiện để vươn mình khẳng định vị thế và là “thỏi nam châm” lớn thu hút đầu tư phát triển. Trong tương lai gần, vùng đất này hứa hẹn sẽ sớm trở nên sầm uất, giàu mạnh trên đà hội nhập.
Thanh Nga